giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp trong đào tạo nhân lực

By March 4, 2020 March 31st, 2020 Giáo dục & Hướng nghiệp

Giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp cần phải được tiến hành liên tục trong quá trình định hình nhân cách của học sinh, không đợi đến cuối cấp trung học cơ sở (THCS) và không phải là kết thúc khi học sinh đưa ra lựa chọn của mình về khối thi và ngành thi trong các kì thi tuyển sinh.

1. Tầm quan trọng của hướng nghiệp và phân luồng

Tư vấn nghề nghiệp và giáo dục hướng nghiệp là những công việc rất quan trong của hệ thống giáo dục và đào tạo. Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông là việc làm vô cùng quan trọng, giúp định các em định hướng nghề  nghiệp tương lai ngay từ đầu quá trình hình thành và phát triển nhân cách cũng như xây dựng năng lực chuyên môn, tạo động lực phấn đấu trên con đường đường. Tư vấn nghề nghiệp trong quá trình đào tạo là giúp người học định hình năng lực thực sự của mình trên cơ sở của sở thích, sở trường, sức khỏe và năng lực của mình.

Giáo dục hướng nghiệp là bước đi đầu tiên để học sinh hình dung cơ hội các việc làm sau này, các đặc trưng của những  nghề phù hợp và chỉ ra cho các em nhhững gì phải chuẩn bị để sau này có thể gắn bó với nghề đó. Chính vì tầm quan trọng của các công tác giáo dục hướng nghiệp nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng chương trình hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho 3 năm THPT và đưa vào giảng dạy ngay từ lớp 10 kể từ năm 2006.

Tuy nhiên, thực tế ở các trường phổ thông cho thấy giáo viên giảng dạy giáo dục hướng nghiệp chủ yếu là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên dạy chưa đủ số tiết cần thiết, chứ hầu như không có mấy giáo viên được đào tạo bài bản về hướng nghiệp hay tư vấn nghề nghiệp. Vì thế mà chẳng mấy ai đầu tư tâm huyết cho bộ môn mới mẻ này, nhất là khi giáo viên kiêm nhiệm mất khá nhiều thời gian cho chuyên môn và các công việc hồ sơ, sổ sách. Không ít nới có hiện tượng giáo viên xin tiết giáo dục hướng nghiệp để dạy bộ môn của mình, mạnh ai nấy xin và mạnh ai nấy cho. Thế nên mới có kết quả đáng buồn là có một tỷ lệ rất lớn học sinh THPT không được giáo dục hướng  nghiệp.

Nhìn chung đa số các em đều “đói” thông tin về nghề nghiệp, trong khi các tài liệu giáo dục hướng nghiệp hiện nay thì chỉ đề cập đến một số ít nghề phổ biến trong rất nhiều nghề hiện nay. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự lựa chọn phân ban và định hướng hàn lâm sau này của học sinh THPT. Một thực trạng là bây giờ có đến trên 2/3 học sinh đăng ký học ban Khoa học tự nhiên để thi khối A, trong khi rất nhiều các em có năng lực và tương lai thực sự nếu lựa chon các khối thi khác. Cùng với đó là hiện tượng số lớn học sinh khi đăng ký dự thi đại học, cao đẳng lựa chọn vào những trường và những ngành có cái danh “kêu” mà không quan tâm đến mình có đủ năng lực không, mình có yêu thích không và học ngành đó sau này sẽ làm gì, cớ hội việc làm ra sao? Điều này được phản ánh bởi con số trên 30% thí sinh đăng ký thi đại học, cao đẳng chọn các ngành thuộc khối kinh tế, tài chính, ngân hàng và kinh doanh mà không quan tâm đến khả năng “lọt cửa” của mình.

Lý giải cho điều nay có nhiều lý do, trong đó tác động từ gia đình và xu hướng phong trào là khá phổ biến. Nhưng chắc chắn có một lý do quan trọng là do công tác hướng nghiệp của chúng ta còn nhiều bất cập. Và hệ quả là quá nhiều lao động trẻ sau khi được đào tạo trong các cơ sở giáo dục sau trung học không tìm được việc làm phù hợp với năng lực của mình trong khi các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động lại mỏi mắt không tìm ra được lao động chuyên môn cần thiết.

Từ năm học 2008 – 2009, thời lượng của hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường bị giảm từ 27 tiết/năm học (3 tiết/tháng) chỉ còn 9 tiết/năm (tức là 1 tiết/tháng) đối với tất cả các lớp. Lý do giảm thời lượng là có một số chủ đề có nội dung trùng lặp với các phần nội dung của một số môn học khác như Giáo dục công dân, HĐNGLL … Do đó, các nội dung trùng lặp sẽ để các môn khác thực hiện, các nhà trường tự lựa chọn các chủ đề phù hợp với đặc điểm học sinh, điều kiện của nhà trường. Ngoài việc giảng dạy một cách hình thức chương trình chính khóa (một tiết/tháng) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường cũng đã chỉ đạo việc lồng ghép – tích hợp giáo dục hướng nghiệp vào giảng dạy của các tổ bộ môn, dạy nghề, hoạt động Đoàn Thanh niên, hoạt động ngoài giờ, dã ngoại, tham quan các nhà máy, xí nghiệp… Thế nhưng, kết quả đạt được không như mong đợi, bởi chỉ có khoảng 50% học sinh yêu thích và tích cực với những hoạt động này.

Với sự thay đổi đó, cộng thêm là việc nội dung chương trình chưa phục vụ được tính đặc thù của từng vùng miền hay nhóm đối tượng; số lượng ngành nghề đề cập trong nội dung giáo dục hướng nghiệp cấp THPT còn hạn chế, những ngành nghề về nghệ thuật, nghề truyền thống chưa được quan tâm, những chủ đề tham quan, giao lưu ít  khả thi… dẫn đến việc học sinh không hào hứng với hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Trong khi đó, khi tham gia quá trình đào tạo về sau công tác tư vấn nghề nghiệp hầu như bị buông xuôi, các cơ sở đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học gần như không có các hoạt động tư vấn nghề nghiệp cho người học, không chỉ ra được các cơ hội và hạn chế của thị trường lao động, những vấn đề mà người học cần chú ý trong quá trình đào tạo để tăng khả năng tìm việc cho mình. Toàn bộ những điều này đã đưa đến hiện tượng “thất nghiệp” tràn lan của sinh viên mới tốt nghiệp và bị xã hội phê phán gay gắt. Không ít người đã nói đến sự lãng phí về vật chất, tiền bạc và thời gian cũng như cơ hội do thiếu giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp có hiệu quả.

2. Thách thức đối với giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông

1. Các trường phổ thông hiện nay không có biên chế chính thức làm công tác tư vấn/hướng nghiệp nên học sinh và giáo viên không có được sự trợ giúp cần thiết về chuyên môn. Thiếu các phương tiện cần thiết như tài liệu tham khảo cập nhật, phòng tham vấn, trang bị lưu trữ hồ sơ, công cụ chẩn đoán nên không thể tạo lập được hồ sơ tư vấn cho học sinh.

2. Những người làm công tác giáo dục và tư vấn nghề nghiệp trong các trường phổ thông hiện nay hầu như không được đào tạo chuyên môn chính thống nào. Thường là các giáo viên dạy các môn học khác hay giáo viên chủ nhiệm “được” trao trách nhiệm phụ trách hướng dẫn giáo dục hướng nghiệp dẫn đến giáo dục hướng nghiệp và tư vấn thường bị coi là việc của giáo viên chủ nhiệm/giáo viên dạy các môn kỹ thuật chứ không phải là trách nhiệm chung của nhà trường.

3. Hình thức tư vấn hiện nay chủ yếu được thực hiện theo nhóm rất lớn (toàn trường hoặc một khối lớp) nên gần như không có tương tác thực sự với học sinh, trả lời hay giải đáp được các thắc mắc của học sinh.

4. Giáo viên, cán bộ tư vấn thiếu hiểu biết về thị trường lao động, về yêu cầu của các công việc khác nhau

5. Thiếu gắn kết của các hoạt động giáo dục hướng nghiệp với các cơ quan quản lý lao động, học sinh thiếu cơ hội trải nghiệm lao động thật sự. Các chủ sử dụng lao động, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại chỗ, ít khi được mời về nói chuyện tại trường học, các hội chợ việc làm.

6. Phụ huynh không biết hoặc không quan tâm đến hoạt động hướng nghiệp tại trường.

7. Hướng nghiệp ít khi để ít đến tạo lập tinh thần kinh doanh/tự làm chủ mà chủ yếu hướng dân dắt các em đến các việc làm công ăn lương.

8. Thiếu đánh giá chất lượng của các hoạt động tư vấn, không có phản hồi của nhà trường, giáo viên, cựu học sinh và phụ huynh.

3. Thách thức đối với tư vấn nghề nghiệp trong các cơ sở đào tạo nhân lực

1. Các cơ sở đào tạo nhân lực hầu như không có cơ cấu tư vấn nghề nghiệp trong nhà trường. Công tác tư vấn nghề nghiệp cho người học không có được sự trợ giúp cần thiết về chuyên môn của các chuyên gia. Giống như các trường phổ thông các cơ sở đào tạo không có được phương tiện cần thiết nên không tạo lập được hệ thống hồ sơ tư vấn cho người học.

2. Các chuyên gia/đội ngũ làm tư vấn không được đào tạo bài bản, làm việc chưa đúng quy trình. Nhiều người làm công tác tư vấn theo bản năng nay kinh nghiệm hơn là quy trình.

3. Công tác chẩn đoán, đánh giá năng lực và cung cấp thông tin thị trường lao động cho người học chưa được tiến hành thường xuyên, khoa học nên hiệu quả rất thấp. Khi người học có thay đổi về hoàn cảnh, sức khỏe hay lựa chọn tương lai họ không biết phải trông cậy vào ai. Chưa có cơ quan dự báo thị trường lao động để hệ thống tư vấn và người học có thể đưa ra được các quyết định đúng đắn về nghề nghiệp trong tương lai.

4. Các cơ sở sử dụng lao động hầu như không tham gia vào quá trình tư vấn nghề nghiệp ngoài việc hiện diện trong một số ngày hội thông tin, hội chợ việc làm hay phỏng vấn tuyển dụng. Thông tin thị trường lao động rời rạc, thiếu tính cập nhật và không sát với đối tượng người học.

5. Sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông với nhiều thông tin không được kiểm chứng hoặc thổi phồng quá mức dẫn đến nhận thức sai lệch của người học về công việc và các giá trị sống.

4. Nguyên tắc đổi mới giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp

1. Giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp phải là phương tiện để trao quyền cho học sinh đưa ra các quyết định có cân nhắc về việc học tập, công việc, mục tiêu sự nghiệp.

2. Giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp cần khuyến khích học sinh ra quyết định nghề nghiệp dựa trên các quan tâm, khả năng thực sự và định hướng tương lai của chính người học.

3. Giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp thúc đẩy sự phát triển sự nghiệp của học sinh bằng cách chuẩn bị cho các em hiện thực hóa tiềm năng của mình qua theo đuổi các mục tiêu cá nhân/sự nghiệp.

4. Giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp giúp học sinh điều chỉnh quá trình chuyển tiếp từ nhà trường sang nơi làm việc cũng như chuẩn bị các em sẵn sàng cho việc học tập suốt đời.

5. Giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp cần gắn liền với các giai đoạn phát triển khác của học sinh và vì vậy cần có dịch vụ tư vấn cá nhân hóa.

6. Giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp cần được thực hiện đối với mọi học sinh, không phân biệt khả năng, định hướng và cấp bậc học

5. Đề xuất đổi mới giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp

Giáo dục hướng nghiệp cần được triển khai từ đầu THCS thay vì lớp 9 như hiện nay. Học sinh phổ thông phải sớm được làm quen với thế giới việc làm và biết đánh giá đúng năng lực, thiên hướng thật của mình. Để làm việc này nhất thiết phải có các công cụ được thiết kế khoa học, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và của từng địa phương, nhóm đối tượng.

Công tác giáo dục hướng nghiệp cần phải được coi như một bộ phận có tính độc lập tương đối chứ không phải tích hợp hoàn toàn trong các môn học khác hoặc đánh đồng với giáo dục ngoài giờ lên lớp. Chương trình giáo dục phổ thông cần có những phần dành riêng cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp và có định hướng tích hợp rõ ràng trong các môn học. Đánh giá hiệu quả của giáo dục hướng nghiệp phải bao gồm cả hiệu quả của phần tích hợp và phần độc lập.

Đội ngũ giáo viên hướng nghiệp trong các trường phổ thông phải được đào tạo và chọn lọc bài bản, thường xuyên được bồi dưỡng và cập nhật thông tin. Đội ngũ này phải được đào tạo để tiến hành các hoạt động giáo dục hướng nghiệp độc lập và là cán bộ tư vấn cho giáo viên các bộ môn khác khi tiến hành tích hợp nội dung hướng nghiệp vào các bài giảng. Điều này phải cần sự chỉ đạo kịp thời và sát sao từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện đồng bộ, tránh hiện tượng tùy tiện như hiện nay.

Giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp cần phải được tiến hành liên tục trong quá trình định hình nhân cách của học sinh, không đợi đến cuối cấp THCS và không phải là kết thúc khi học sinh đưa ra lựa chọn của mình về khối thi và ngành thi trong các kì thi tuyển sinh. Tư vấn nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, giáo dục cộng đồng cũng như các cơ sở giáo dục sau trung học là một việc làm rất quan trọng, cần được phát triển và kế thừa kết quả của công tác hướng nghề trong nhà trường phổ thông.

Nếu tính liên tục, nhất quán trong hướng nghề/tư vấn nghề nghiệp bị mất đi thì thanh niên dễ xác định sai mục tiêu nghề nghiệp hoặc thay đổi mục tiêu nghề nghiệp không dựa trên năng lực bản thân, sau khi tốt nghiệp có thể dễ nhận việc nhưng khi gặp khó khăn hoặc những điều không phù hợp, họ cũng dễ bỏ việc. Hậu quả là sẽ gây lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc cho cả nhà trường và cả bản thân người học.

Vào năm thứ nhất ĐH, sinh viên cần được tiếp tục được giới thiệu đầy đủ hơn về trường, khoa của mình, về các bộ môn, các môn học và các lợi điểm của các ngành đào tạo tại trường. Quá trình tư vấn nghề nghiệp không chỉ dừng lại ở vài buổi giới thiệu mà cần xuyên suốt quá trình sinh viên học tạp tại trường thông qua các hoạt động mang tính trắc nghiệm để hình thành bộ hồ sơ nghề nghiệp, các buổi nói chuyện chuyên đề, các buổi tiếp xúc với các nhà tuyển dụng, các ngày hội nghề nghiệp…

Công tác tư vấn nghề nghiệp không được dừng lại khi sinh viên đã tốt nghiệp mà phải được tiếp tục khi sau họ đã có được việc làm. Trong phần này, việc tổ chức những cuộc giao lưu giữa cựu sinh viên với các sinh viên đang học cũng có vai trò hữu ích. Những chia sẻ và những trải nghiệm của người đi trước là tấm gương để sinh viên phấn đấu, rèn luyện để thích ứng và điều chỉnh hướng đi cho phù hợp hơn.

Giảng viên các cơ sở đào tạo cần tìm hiểu khái quát về ngành nghề trong xã hội, đặc biệt những ngành nghề liên quan đến môn học mình phụ trách để định hướng cho sinh viên thông qua các ví dụ thực tiễn, lồng ghép vào bài giảng của mình, vừa thiết thực, vừa sinh động lại đáp ứng nhu cầu được hiểu về nghề nghiệp tương lai ở sinh viên. Bản thân giảng viên cũng cần thâm nhâp thực tiễn nghề nghiệp cùng với sinh viên để có thể hỗ trợ tốt hơn cả sinh viên cũng như cơ sở sử dụng lao động.

Một vấn đề cần thiết nhất hiện nay là phải xây dựng được bộ công cụ trắc nghiệm phù hợp với điều kiện và bối cảnh của công tác giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp Việt Nam. Bộ công cụ này cần được xây dựng một cách khoa học để tránh các sai lệch do yếu tố văn hóa khi áp dụng các công cụ trắc nghiệm của nước ngoài. Bộ công cụ này sẽ là nền tản cho các hoạt động giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp cho thanh niên nói riêng và cho người lao động Việt Nam nói chung.

Lê Đông Phương

                                                                       Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Leave a Reply