Chiếc đòn gánh

By June 29, 2020 Tin tức

Chẳng ai rõ chính xác chiếc đòn gánh ra đời từ khi nào, chỉ biết nó đã hiện hữu trong đời sống của người dân Việt Nam từ lâu lắm rồi. Đến tận bây giờ, bạn vẫn luôn có thể thấy chiếc đòn gánh trên những đường phố hào nhoáng và hiện đại của các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Và tôi cũng tin, nó sẽ còn mãi trong tâm hồn người Việt!

Là một quốc gia gốc nông nghiệp điển hình, thuộc nền văn minh lúa nước, chiếc đòn gánh của người nông dân Việt Nam đã được cấu tạo sao cho phù hợp tối đa với điều kiện sống và sản xuất. Với những bờ ruộng nhỏ, các con đường đi lại cũng thường khá hẹp, thế nên người ta đã làm ra chiếc đòn gánh như một công cụ tối ưu để vận chuyển lúa, hay hàng hóa, giao thương giữa các địa bàn nông thôn. Chính vì thế, nó là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người Việt từ xưa. Và chiếc đòn gánh cũng được làm từ một thứ vật liệu vốn là một biểu tượng của văn hóa Việt: cây tre. Thế nên đó cũng là một lý do khiến chiếc đòn gánh càng thấm đẫm “hồn cốt” của đất và người xứ này. Mà tre làm đòn gánh thường là phần gốc cây vừa phải, quan trọng là có các đốt đều nhau. Người xưa hay làm đòn gánh có chiều dài là số lẻ các đốt tre, thường là 7 hoặc 9 đốt. Ấy là theo quan niệm dân gian, con số lẻ bao giờ cũng có chiều hướng phát triển và đem lại may mắn!

Tổ quốc Việt Nam cong hình chữ S, mà miền Trung là nơi thắt lại, được ví như chiếc đòn gánh mang nặng tình hai đầu đất nước. Sự ví von ấy phần nào cho chúng ta thấy vật dụng bình dị đó đã đi sâu vào tâm thức của người Việt như thế nào. Nó là hình ảnh đặc tả sự cần cù, lam lũ, chịu thương chịu khó của người nông dân bao đời nay. Cũng vì thế, nên cũng thật dễ hiểu khi chiếc đòn gánh xuất hiện trong các áng văn, thơ, âm nhạc qua nhiều thời kỳ. Đây là dân làng nô nức đi đóng thuế nông thời chống Pháp: “Thúng đầy anh gánh tôi gồng. Kĩu cà kĩu kịt qua sông qua đò…” (ca khúc “Đóng nhanh lúa tốt” – Lê Lôi-Huyền Tâm). Khi đi xa, người con trai nhớ về quê mình và chợt băn khoăn: “Chị ấy năm nay còn gánh thóc. Dọc bờ sông vắng nắng chang chang?” (“Mùa xuân chín” – Hàn Mặc Tử). Chiếc đòn gánh đã mang bao thân phận con người, gắn liền với ruộng đồng, với thăng trầm lịch sử của xứ sở như vậy đó!

Cây tre khi dựng nên thành lũy, là biểu trưng cho sức mạnh đoàn kết của dân tộc. Cũng tre ấy, khi ngả xuống, xả mình làm đòn gánh, lại là hình ảnh về ý chí dẻo dai của mỗi cá thể!

Huy Anh

Leave a Reply