Kinh tế học: Là gì, tại sao và bằng cách nào?

Hồ Hoàng Anh

Khoa Kinh Tế, Đại Học Kinh Tế Thành Phố Hồ Chí Minh, anh.ho@ueh.edu.vn.

Phiên bản gốc: Tháng 05, 2013.
Phiên bản này: Tháng 10, 2015.

Tôi phác thảo một bức tranh tổng thể về kinh tế học (economics) trong tương quan so sánh với khoa học tự nhiên và các ngành khoa học xã hội khác. Trên cơ sở đó, tôi giải thích tại sao và những đối tượng nào nên theo đuổi kinh tế học. Cuối cùng, tôi đề xuất một cách tiếp cận và một quy trình để học kinh tế học một cách hiệu quả.

1. Dẫn nhập

The purpose of studying economics is not to acquire a set of ready- made answers to economic questions, but to learn how to avoid being deceived by economists. Joan Robinson (1903-1983)

Ba động lực chính khiến tôi thực hiện bài viết này đến từ ba sự nhầm lẫn tai hại mà tôi thường thấy về kinh tế học. Sự nhầm lẫn thứ nhất là về kinh tế học, và khoa học xã hội nói chung (social sciences), với khoa học tự nhiên (natural sciences). Sự nhầm lẫn thứ hai là giữa kinh tế học với các ngành khoa học xã hội khác như tâm lý học (psychology), lịch sử (history), chính trị học (political science), và xã hội học (sociology). Và sự nhầm lẫn thứ ba là giữa kinh tế học với các ngành liên quan đến kinh tế khác như quản trị kinh doanh (business administration) và quản trị công (public administration).

Sự nhầm lẫn thứ nhất rất dễ hiểu. Trong thời kỳ học phổ thông, những gì chúng ta thường nghĩ đến khi nghe từ khoa học là khoa học tự nhiên với những định luật hay lý thuyết rất hấp dẫn, ví dụ như Định luật vạn vật hấp dẫn của Newton (Newton’s law of universal gravitation). Sở dĩ những định luật hay lý thuyết này rất hấp dẫn bởi vì chúng ta luôn chứng kiến được sự vận hành của nó trong cuộc sống xung quanh mình. Dù ở đâu trên trái đất này, một viên đá được thả ra cũng sẽ rơi xuống đất. Bước vào giảng đường đại học ngành kinh tế học, hay các ngành khoa học xã hội nói chung, chúng ta thường bất ngờ khi nhận ra rằng không hề có những định luật hay lý thuyết hấp dẫn như thế trong các ngành khoa học xã hội này. Lý thuyết nói rằng giá hàng hóa tăng thì cầu hàng hóa giảm, nhưng thi thoảng chúng ta vẫn nghe rằng giá gạo tăng nhưng bà con vẫn xếp hàng dài để mua gạo.

Sự nhầm lẫn thứ hai có vẻ khó hiểu hơn. Điểm khác biệt đáng chú ý nhất giữa kinh tế học và các ngành khoa học xã hội khác đó là chúng ta có một giải Nobel dành cho khoa học kinh tế nhưng lại không có giải Nobel cho các ngành khoa học xã hội khác như chính trị học, tâm lý học, hay xã hội học. Nhiều người cho rằng khoa học kinh tế không phải là một bộ môn khoa học như vật lý hay hóa học, và trao giải như thế là đề cao khoa học kinh tế hơn các ngành khoa học xã hội khác, vì thế giải Nobel này phải đổi thành giải Nobel cho các ngành khoa học xã hội nói chung.2 Hay nhiều người thậm chí còn đề nghị hủy bỏ giải Nobel này vì cho rằng khoa học kinh tế không có đóng góp gì cho lợi ích của loài người nói chung như tinh thần của Alfred Bernhard Nobel.3 Mặc dù không phải là điểm khác biệt quan trọng nhất, cuộc tranh cãi này là một minh chứng sống động cho sự nhầm lẫn giữa kinh tế học và các ngành khoa học xã hội khác.

Sự nhầm lần thứ ba thì rất khó hiểu. Cứ mỗi khi nhắc đến kinh tế học là người ta thường nghĩ ngay đến hay quản trị kinh doanh bởi vì kinh tế học chỉ đơn giản là học làm kinh tế, hay làm giàu. Ở Việt Nam, sự nhầm lẫn này phổ biến đến mức khi phong hàm giáo sư, chúng ta gộp tất cả các ngành này lại với nhau và gọi chung là giáo sư kinh tế, và nhiều người vẫn dịch sang tiếng Anh là professor of economics. Đối với cộng đồng khoa học quốc tế, việc một người tốt nghiệp và nghiên cứu quản trị kinh doanh được phong hàm giáo sư kinh tế học là một điều không thể nào lý giải được!

Trong bài viết này, tôi cung cấp một bức tranh phác thảo về kinh tế học và lý giải về ba sự nhầm lẫn tai hại này. Mục đích của tôi là chỉ ra sự khác biệt của kinh tế học với các ngành khoa học tự nhiên, các khoa học xã hội và các ngành liên quan đến kinh tế khác. Tôi tin rằng sự hiểu biết thấu đáo về các ngành khoa học khác nhau sẽ giúp cho các bạn sinh viên lựa chọn ngành học phù hợp hơn với đam mê của mình, nếu có. Điều này sẽ rất hữu ích bởi vì việc lựa chọn sai ngành học ở cấp bậc cử nhân sẽ dẫn đến lãng phí thời gian và có thể gây ra nhiều rào cản cho việc theo đuổi các bậc học cao hơn hay nghiên cứu khoa học về sau. Sau cùng, tôi phác thảo những nguyên lý để tiếp thu kinh tế học một cách hiệu quả.

ĐANG CHẬP NHẬP…..

Leave a Reply