Đòn gánh – binh khí của người Việt

By July 1, 2020 Tin tức
Xưa kia, khi các hình thức vận chuyển hàng hóa còn chưa phát triển, người dân nhiều nơi từ thành thị đến nông thôn thường dùng đòn gánh làm công cụ để vận chuyển hàng hóa buôn bán với các địa phương khác. Trên đường gánh hàng, đôi lúc có những vụ va chạm xảy ra và đòn gánh vô tình trở thành một thứ binh khí phòng thân hữu hiệu.
Từ hình dáng và cấu tạo đặc biệt của đòn gánh, các võ sư trong làng võ cổ truyền Việt Nam đã đúc kết, sáng tạo bài võ với những thế đánh đặc trưng của nó. Theo lời truyền tụng, ở làng Tân Khánh Bà Trà (tỉnh Bình Dương ngày nay) có bà Võ Thị Vuông (còn gọi bà Năm Vuông) – sống vào cuối thể kỷ 19, đầu thế kỷ 20, tiền bối của môn phái Võ Lâm Tân Khánh – Bà Trà đã từng nổi danh khi dùng nhiều loại nông cụ, trong đó có đòn gánh để đánh trả kẻ xấu, kẻ cướp tấn công bà trong lúc lao động, buôn bán. Đến nay, ở phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) vẫn còn địa danh “Truông Bà Năm Vuông”, đó chính là nơi bà từng sử dụng đòn gánh để đánh cướp.

Người ta hay làm đòn gánh bằng cây tre già hoặc trúc già, với chiều dài hơn một mét, hai đầu có hai cái “mấu” để giữ hai bên đầu treo hàng hóa không bị tuột ra. Cây đòn gánh có độ cứng, độ cong và độ mềm nhất định, để khi người lao động gánh hàng trên vai sẽ giúp hạn chế đau vai, đỡ mất sức hơn vừa giúp giữa thăng bằng trên vai.


Đòn gánh được xếp vào loại binh khí dài có thể tấn công theo nhiều hướng trên – dưới – ngang – dọc rất đa dạng.


Cách hai tay cầm một đầu đòn gánh tấn công theo hướng ngang.


Động tác hai tay cầm một đầu đòn gánh phạt ngang tấn công đối phương.


Sử dụng đòn gánh phòng thủ phía trên đầu.


Hất đòn gánh từ phía dưới lên tấn công vào đối phương là một động tác tấn công rất hiểm hóc.


Động tác tấn công đẹp mắt bằng đòn gánh trong bài võ đòn gánh của môn phái Võ lâm Tân Khánh Bà Trà.


Dùng đòn gánh có thể khắc chế được nhiều binh khí khác như: đao, kiếm, thương, kích…


Dùng đòn gánh phòng thủ đòn tấn công phía dưới thấp.


Dùng đòn gánh tấn công móc vào cổ của đối phương.


Dùng đòn gánh gạt ngã chân đối phương.


Dùng phần đầu của đòn gánh móc vào binh khí đối phương.


Tấn công bằng đòn gánh từ trên xuống.


Dùng cây đòn gánh tấn công vào phần sau đầu của đối phương.


Sử dụng đòn gánh có nhiều cách đánh như: đâm, tạt, hất, xóc, phang… dùng để tấn công cũng như phòng thủ đối phương rất hiệu quả.


Võ sư Nguyễn Trung Nam thể hiện bài võ đòn gánh của môn phái Võ lâm Tân Khánh 

 Bà Trà (Takhado) tại Liên hoan Võ thuật cổ truyền Đất phương Nam năm 2018.

Sử dụng đòn gánh trong đối kháng rất linh hoạt, cách cầm đòn gánh có thể bằng hai tay hoặc chỉ cầm một tay. Trong phòng thủ, đòn gánh với độ dài và độ cứng vốn có, dùng để gạt, đỡ, che chắn toàn thân. Trong tấn công, đòn gánh với những động tác đa dạng như đập, xóc, móc, tạt ngang, phang, đâm, tấn công trên- dưới đối phương đều rất linh hoạt, mang lại hiệu quả cao. Đòn gánh thuộc loại vũ khí cương mãnh, cho nên khi sử dụng vũ khí này phải phát lực dũng mãnh, dứt khoát, trực tiếp đương đầu với các loại binh khí khác. Đòn gánh được xếp vào loại binh khí dài, thuận lợi đánh xa, là sự nối dài của cánh tay, dùng để chủ động trong tấn công lẫn phòng thủ từ xa rất hiệu quả.

Theo võ sư Hồ Tường, Trưởng tràng môn phái Võ Lâm Tân Khánh – Bà Trà (Takhado), để luyện tập với binh khí đòn gánh thì môn sinh trung cấp (tức tập võ từ 1 năm trở lên) đều tập được. Tuy nhiên, tập và thể hiện cho đúng kình lực cần có và đạt được sự thuần thục, bài bản và độ chính xác cao thì cần phải trình độ huấn luyện viên (hoàng đai, tức 3 năm trở lên).

Cũng theo vị võ sư này, bài binh khí đòn gánh từng được nhiều môn sinh của môn phái mang đi biểu diễn nhiều nơi, trong đó, có huấn luyện viên Nguyễn Trung Nam đã biểu diễn bài võ này đoạt hai huy chương bạc trong hai kỳ Liên hoan Võ thuật cổ truyền Đất Phương Nam (2017, 2018) do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Tp.Hồ Chí Minh tổ chức./.

Bài và ảnh: Sơn Nghĩa

Leave a Reply