KỲ VỌNG TƯƠNG LAI ẢNH HƯỞNG ĐẾN HÀNH VI Ở HIỆN TẠI.
PHÂN TÍCH HÀNH VI THI CỬ CỦA SINH VIÊN TRÊN CƠ SỞ LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI.
MÔ HÌNH PROBIT VÀ KẾT QUẢ THỰC NGHIỆM.
Nghiên cứu hực hiện bởi : VÕ PHÚC THIỆN
Một vấn đề thường thấy tại các kỳ thi trên giảng đường đại học là một sinh viên có thể lựa chọn hành vi gian lận (dùng tài liệu, xem bài bạn) đối với một số kỳ thi, nhưng ngược lại, trong một số kỳ thi khác thì sinh viên này lại lựa chọn chiến lược làm bài trung thực. Bài viết sẽ ứng dụng khung phân tích trên quan điểm lý thuyết trò chơi để phân tích sự thay đổi hành vi của sinh viên trong các kỳ thi khác nhau. Qua đó góp phần lý giải động cơ gian lận trong các kỳ thi của sinh viên và cách làm thế nào để tăng cường sự trong sạch trong thi cử tại các trường đại học hiện nay.
Trước đây, nghiên cứu của Victor Vroom (1964) sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi một số học giả khác, bao gồm cả Porter và Lawler (1968) cho rằng hành vi và động cơ làm việc của con người được quyết định bởi nhận thức của con người về những kỳ vọng của họ trong tương lai. Vấn đề đặt ra là sự kỳ vọng được ứng dụng nhiều hơn trong lĩnh vực tài chính mà ít thấy hơn trong nghiên cứu về hành vi con người. Bài nghiên cứu phân tích sự ảnh hưởng của kỳ vọng tương lai đến các quyết định hành vi được lựa chọn trong hiện tại dựa trên nền tảng lý thuyết trò chơi trong việc lựa chọn chiến lược. Kết quả phân tích cho thấy rằng, kỳ vọng tương lai “bi quan” hay “lạc quan” có ảnh hưởng đến việc lựa chọn chiến lược của người chơi. Ứng dụng phân tích hành vi thi cử của sinh viên dựa trên quan điểm của lý thuyết trò chơi, dưới sự tác động của kỳ vọng và xác suất rủi ro nhất định cũng ảnh hưởng đến hành vi lựa chọn chiến lược gian lận hay trung thực.
Nhiều nghiên cứu trước đây của các học giả về hành vi gian lận cũng đưa ra một số mô hình và nhiều góc nhìn cũng như cách giải thích đa dạng. Tiểu biểu như: Donald R. Cressey; D.W. Steve Albrecht Shon, P.C.H; McCabe và Trevino; Paul W. Grimes and Jon P. Rezek; Dan Ariely…Tuy nhiên, tại Việt Nam tác giả chưa thấy có nghiên cứu nào cụ thể về hành vi gian lận nói chung và cụ thể là đối với sinh viên.
Trong bài nghiên cứu, tác giả dựa vào mô hình Probit và đưa các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi gian lận hay không gian lận trong các kỳ thi của sinh viên, kết qua cho thấy độ tuổi (sinh viên năm thứ mấy), sự hỗ trợ của bạn bè, điểm kỳ vọng, điểm trung bình và nỗi sợ/lo lắng có ý tác động đến xác suất hành vi gian lận của sinh viên thay đổi.
Từ khóa: Kỳ vọng ở tương lai ảnh hưởng đến hành vi ở hiện tại; Hành vi thi cử của sinh viên.